Tôi không cầu nguyện cho hiểm nguy đừng đến
Mà cầu lòng dũng cảm khi đối mặt hiểm nguy.
Tôi không cầu mong nỗi đau câm nín
Mà mong mình can đảm chiến thắng nỗi đau.
Tôi không tìm kiếm đồng minh trên chiến trận cuộc đời
Mà tìm kiếm sức mạnh bản thân tôi.
Tôi không khao khát mình sẽ được ai cứu thoát
Mà hy vọng mình sẽ kiên nhẫn để giành lấy tự do.
(Trích tập thơ Mùa hái quả - Rabindranath Tagore, Vũ Hoàng Linh dịch)
QUẢ TÁO THẦN KỲ CỦA KIMURA - LỜI NÓI ĐẦU
Trong nhật ký hành trình của Siebold đi từ Dejima (đảo nhân tạo lấn biển) ở Nagasaki đến Edo, có đoạn ghi lại vẻ đẹp phong cảnh thôn quê Nhật Bản:
"Phía dưới triền dốc của những ngọn núi, người nông dân Nhật Bản đã phát huy đức tính cần cù một cách đáng kinh ngạc, biến những vùng đất khô cằn sỏi đá thành những mảnh vườn trù phú rau màu và ngũ cốc. Trên những luống hẹp được chia tách nhau bởi các rãnh sâu, đại mạch, lúa mì, cải dầu hay họ cải bắp, cải bẹ xanh, đậu ngựa, đậu Hà Lan, củ cải, hành tây, v.v. được trồng thành hàng, cách nhau khoảng 30 phân. Không có lấy một cọng cỏ dại, không trông thấy một cục đá. Giờ đây, chúng tôi đứng ở những con đường chính rộng rãi, ngắm thỏa thuê phong cảnh tuyệt vời. Đi xuyên qua những rừng thông có những vườn ươm và vườn rau ở hai bên, những con đường được chăm chút cẩn thận dẫn từ làng này sang làng khác, rất giống với những con đường tản bộ trong công viên ở nước ta. Trên những con đường này, mỗi khúc quanh lại mở ra một phong cảnh mới, như thể được tạo ra có chủ đích nhằm gây ngạc nhiên cho những du khách vậy."
Đọc những gì Siebold mô tả trong ghi chép của ông, dù không phải là một người nông dân cũng chẳng phải một người sống ở thời Edo, nhưng tôi vẫn cảm thấy tự hào.
Đó là dáng hình của Nhật Bản duy trì tiếp nối từ xa xưa, qua hàng trăm năm.
Nếu như những thánh đường kỳ vĩ được xây dựng bằng những khối đá ghép lại hay những hạm đội thống trị các vùng biển thế giới là biểu tượng cho nền văn minh châu Âu, thì phải nói rằng, những thửa ruộng nước được chăm bón tận tình hay những con đường còn vết chổi rễ quét tước chính là cốt lõi của nền văn minh Nhật Bản.
Qúy trọng đức tính cần cù lao động, lấy sự thanh sạch làm cốt lõi, con người Nhật Bản đã cặm cụi quét dọn sạch sẽ từng ngóc ngách của đảo quốc nhỏ bé này, trồng trên đó nào lúa, chăm bón nào đậu, nào rau màu và sinh sống.
Những vườn trồng táo trải rộng bạt ngàn dưới chân núi Iwaki, ngọn núi đơn độc, đứng sừng sững ở vừng đồng bằng Tsugaru, cũng không phải là ngoại lệ.
Nhìn vào mảnh vườn nào cũng thấy: những cây táo được cắt tỉa thẳng thớm, cỏ dại dưới gốc cây được xén ngắn như bãi cỏ. Những chiếc lá um tùm, xanh tốt tắm đẫm ánh nắng mặt trời mùa hạ. Ngắm nhìn những vườn táo trải dài được chăm sóc một cách hoàn hảo và tỉ mẩn, dù chẳng phải là Siebold cũng muốn thốt lên lời tán thưởng.
Với những người nông dân trồng táo, việc chăm sóc cho mảnh vườn đẹp đẽ không chỉ là cần thiết để có được những vụ mùa bội thu, đó thậm chí còn là một thứ đạo đức.
Nếu theo ý nghĩa đó, thì việc người chủ vườn táo của chúng ta được gọi với cái biệt danh tệ nhất trong tiếng địa phương Tsugaru là "Kamadokeshi" - kẻ phá gia chi tử - có lẽ cũng là điều dễ hiểu.
***
Đó là vào mùa hè năm 1980.
Trời vào hạ, sắc xanh tăng đậm trên khắp những vườn táo, hàng trăm triệu, hàng tỉ chiếc lá được gió từ núi Iwaki thổi, nhất loạt rung lên, trông như mặt biển đang nổi sóng.
Trong cảnh sắc ấy, có duy nhất một mảnh vườn, hoàn toàn khác lạ nằm xen lẫn.
Đập vào mắt trước tiên là cỏ dại mọc tùy tiện. Có nơi cỏ mọc um tùm cao tới ngang ngực.
Ai nhìn cũng thấy rõ là khu vườn đã không được xén cỏ lần nào trong năm.
Trong đám cỏ dại như khu rừng bí mật ấy, châu chấu nhảy vào mặt ta, ong bay, ếch kêu, chuột đồng và thậm chí là cả thỏ chạy quanh. Trông như đồng núi không có người chăm sóc chứ không phải là một mảnh vườn.
Băng qua rừng thì phải vừa gạt những bụi cây chắn lối người đi để đặt chân xuống, vừa tiến về phía trước trong khi bên dưới rậm rạp cỏ. Ở khu vườn này, người ta cũng phải làm như vậy để tới được chỗ một cây táo.
Để có thể chăm sóc cho những cây táo cao tới ba mét, thậm chí bốn mét thì không thể thiếu thang chữ A được. Ở những mảnh vườn bình thường, cỏ bên dưới được xén ngắn, bị giẫm lên, thành ra chắc lại nên mặt đất bằng phẳng đến mức có thể chơi được cả tennis. Di chuyển thang là chuyện đơn giản, thế nhưng ở mảnh vườn ấy, đó cũng là một việc cực nhọc. Người chủ vườn vừa bị cỏ lấp vừa đầm đìa mồ hôi vác cái thang.
Nếu xén cỏ đi chắc chắn sẽ nhàn hơn nhiều. Ngoài ra, cỏ dại cũng có thể là nguồn phát sinh sâu bọ. Dù những nông dân ở các vườn xung quanh có nhờ: Chúng tôi xin ông đấy, ít nhất cũng xén cỏ giùm đi, thì người chủ vườn vẫn ngoan cố không chịu đồng ý.
Chỉ vậy thôi cũng đủ để những người nông dân cần cù lao động gần đó khinh miệt rồi, tồi tệ hơn nữa là hình dáng của những cây táo quý giá.
Vào mùa hè, những cây táo ở những khu vườn khác lá mọc sum sê dày đặc, đến nỗi người ta sợ cành sẽ bị gãy trong khi cây vẫn còn đang cho ra nhiều trái xanh.
Thế nhưng, cây ở vườn táo ấy lại hầu như không thấy quả. Số lượng lá cũng ít một cách lạ lùng. Mang tiếng là mùa hè mà lá đã rụng khá nhiều.
Những chiếc lá hiếm hoi còn sót lại thì có lá xuất hiện những đốm nhỏ màu vàng nâu, có lá lại dính thứ gì như bồ hóng đen. Lá thủng lỗ chỗ cũng có khá nhiều.
Đó là khu vườn duy nhất trông tiêu điều như con chó bị bệnh ngoài da, trụi cả lông.
Tại sao lại xác xơ, hoang vu đến vậy?
Những người nông dân sống lân cận, không ai là không biết nguyên do.
Là vì không phun thuốc bảo vệ thực vật.
Trong sáu năm nay, người chủ vườn không hề phun dù chỉ một giọt thuốc bảo vệ thực vật cho vườn táo. Nên đương nhiên, những cây táo bị bệnh và sâu hại. Hơn một nửa lá nhú ra vào đầu xuân, chưa sang hè đã rụng mất. Vì thế mà mấy năm rồi không thấy ra hoa.
Hơn nữa, còn thế này.
Vườn của mình bị tình trạng như vậy nhưng chủ vườn lại hành động như thể chẳng hề biết lý do kiểu: không thể giải thích được.
Trời chưa sáng tinh mơ, ông đã tới vườn táo, rồi từ sáng đến tối, ông bắt sâu trên cây táo bằng tay không, có khi còn ngồi tịt luôn cả ngày trong đám cỏ dại mà chẳng hề nhúc nhích. Ông còn cho giấm vào bình phun sương vốn dùng cho thuốc bảo vệ thực vật rồi thử phun cho cây, dùng dầu ăn để rửa lớp vỏ cây... Nói chung không thể nghĩ đó là người nông dân trồng táo chính hiệu được.
Hôm nay, suốt từ sáng, ông gối đầu lên tay, nằm ngủ dưới gốc táo.
Kẻ phá gia chi tử là kẻ tiêu tán gia sản, hủy hoại gia đình và đẩy người thân vào cảnh bơ vơ nơi đầu đường xó chợ. Đối với người nông dân, không còn gì đáng khinh miệt hơn, nhưng lời nói xấu ấy dành cho người đàn ông này thì quả thật cũng phù hợp.
Khoan đã, người đàn ông ngồi rịt, rồi nằm ở vườn táo thực ra đang làm gì, nếu biết thì người ta sẽ nghĩ ông là kẻ phá gia chi tử hay lại nghĩ đầu óc ông có vấn đề cũng nên.
Không có chuyện người đàn ông ấy ngủ.
Dưới ánh nắng gay gắt mùa hè, được bao bọc trong mùi xanh ngái tỏa ra từ đám cỏ dại um tùm, ông đang nhìn những con sâu gây hại ăn lá táo.
Trong bóng râm của đám cỏ, bọn côn trùng đang kêu. Gió thổi, những cái lá đã ngả vàng rơi lả tả. Con côn trùng có cánh nào đó, tiếng đập cánh sắc bén, thoắt qua mặt ông rồi bay mất.
Ngay cả ở mảnh vườn dưới chân núi tĩnh mịch, chỉ nằm lăn lóc một ngày thôi là có rất nhiều chuyện xảy ra. Vậy nhưng, những chuyện xảy ra ở thế giới bên ngoài ấy lại chẳng hề lọt vào mắt hay vào tai người đàn ông này.
Mắt ông hoàn toàn theo dõi sự chuyển động của một con côn trùng gây hại.
Không thể kể hết các loại côn trùng gây hại cho cây táo. Đầu tiên là loài ngài Pandemis heparana (ấu trùng bướm đêm cuốn lá), Archips fuscocupreanua Walsingham, còn gọi là sâu cuốn lá, ăn lá non hay hoa mới nhú đầu xuân, ấu trùng ngài Geometridae (sâu đo) ăn lá cây, rồi cả rệp, nhện đỏ, ấu trùng ăn quả, v.v. Tính sơ sơ cũng không ít hơn 30 chủng loại.
Ngày hôm đó, thứ người đàn ông chăm chú quan sát là con sâu đo.
Thông thường, sâu đo lớn tối đa chừng 3, 4 mm, thế nhưng con ấu trùng đó lại to hơn hẳn, bằng ngón tay út của con người. Chiều dài thân cũng dài hơn ngón tay út. Hẳn là nó đã ăn kha khá lá táo.
Trước mắt người đàn ông, con sâu đo béo tròn to tướng đang di chuyển ở mặt sau lá táo, trong khi con người thì như pha trò với điệu bộ hết xòe ra, lại cụp vào ngón cái, ngón trỏ để đo chiều dài của nó.
Con sâu đo cử động vô cùng chậm chạp. Mất kha khá thời gian ăn hết xong một lá, nó bắt đầu tìm cái lá khác để ăn tiếp. Ăn luôn cái lá gần đó đi là xong, thế nhưng có vẻ với con sâu đo, nó có sở thích riêng của mình.
Trước tiên, nó nhất định không ăn những lá bị bệnh xâm hại. Ngay cả những lá xanh khỏe mạnh, cũng có lá con sâu đo không buồn ngó tới vì lý do nào đó.
Con sâu đo chỉ tìm những lá lý tưởng theo tiêu chuẩn riêng của mình, nó bò thong thả từ lá này sang lá khác.
Chỉ vậy thôi đã đủ sốt ruột lắm rồi, thế mà đột nhiên, nó dừng khựng lại, có vẻ như giật mình với dấu hiệu gì đó, hoặc có khi chỉ đơn giản do tính đồng bóng của nó. Mười phút rồi hai mươi phút, chỉ dùng mấy cái chân bụng ở dưới cùng bám vào cành cây, nó duỗi toàn thân ra trông như một cái cành cây nhỏ, rồi cứ tư thế đó, nó đứng im. Cả màu sắc lẫn hoa văn trên người nó hệt như một cành táo nhỏ màu xám trắng, đến mức khiến người ta cảm thấy thán phục. Chắc là một kiểu ngụy trang. Nếu nhìn kĩ, từ miệng nó nhả ra một sợi tơ vô cùng mảnh, cố định thân nó vào cành cây.
Trong mắt người đàn ông, dù nó có bắt chước cành cây nhỏ tài tính thế nào, ông vẫn nhìn ra nó là một con sâu đo, nhưng bọn chim chóc có vẻ không nhận biết được. Những con sâu đang chuyển động sẽ trở thành mồi cho lũ chim, nhưng một khi dùng chuyển động, chúng sẽ không bị tấn công.
Người đàn ông đã đứng dưới cây táo suốt từ sáng, chăm chú theo dõi với đôi mắt mở to từ đầu đến cuối chuỗi hành động của con sâu đo.
Đó là kẻ thù đáng ghét xâm hại những cây táo quý giá. Nếu biết rõ tập tính thì có thể tìm ra phương pháp tiêu diệt chúng, người đàn ông đã suy tính như vậy, dẫu thế, ánh mắt ông nhìn con sâu đo vẫn vô cùng hiền hậu.
Về mặt nào đó, có thể nói, chính con sâu đo ấy đã khiến một nông dân trồng táo như ông khốn cùng đến thế. Những cây táo bị ăn mất lá đã mấy năm rồi không cho quả. Chẳng có thu nhập năm này qua năm khác, gia đình bảy người nhà ông sống trong cảnh nghèo khó cơ cực, thiếu chút nữa phải vất vưởng đầu đường.
Dẫu thế, khi con sâu đo rơi bộp xuống ngực ông, ông dùng ngón tay nhón lấy nó, nhòm lom lom vào mặt nó bằng kính lúp rồi thả nó về lại lá táo.
"Mày chưa ăn được nhiều lá lắm đâu."
Cuối cùng, ông nói cho con sâu nghe như vậy.
Ở một góc vườn, còn dựng cả cái bảng ông viết lời cảnh cáo gửi tới bọn sâu trên một tờ giấy bìa.
"Cảnh báo tới bọn sâu! Nếu tụi bây tiếp tục phá hoại vườn, ta sẽ sử dụng thuốc trừ sâu mạnh đấy!"
Nghĩ kiểu gì cũng thấy thật không bình thường.
Nhưng mà, kể ra, chính vì không bình thường nên ông mới có thể bắt đầu một việc chẳng ra đâu vào đâu như thế.
Trồng táo mà không dùng thuốc bảo vệ thực vật.
Nói một cách đơn giản, đó là ước mơ của người đàn ông ấy.
Ít nhất ở thời điểm đó, về tính hiện thực, ước mơ ấy được coi là 100% không khả thi.
Phần tiếp theo:
Quả táo thần kỳ của Kimura - Chương 1
Phần trước:
Đọc sách Quả táo thần kỳ của Kimura