QUẢ TÁO THẦN KỲ CỦA KIMURA - CHƯƠNG 2
Một cái điên của Kimura, không cần nói cũng biết, là trồng táo không dùng thuốc bảo vệ thực vật.
Đến tận bây giờ, không ít nhà chuyên môn vẫn nói đó là việc bất khả thi. Nếu không dùng thuốc bảo vệ thực vật, việc thu hoạch táo là không thể. Với những người am hiểu việc trồng táo, đó là luật bất thành văn.
Quả thực, nông nghiệp hiện đại phụ thuộc sâu sắc vào thuốc bảo vệ thực vật. Vì thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trong việc canh tác hầu hết các loại cây trồng. Những loại cây được trồng mà không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật rất ít, điều này người không liên quan đến ngành nông nghiệp cũng biết rõ.
Tuy nhiên, dù thế nào, đó cũng chỉ là vấn đề lệ thuộc. Trong thực tế, trên thế giới cũng xuất hiện rất nhiều trường hợp không dùng thuốc bảo vệ thực vật mà vẫn trồng được rau hay hoa quả.
Vốn dĩ ngày xưa, những thứ như thuốc bảo vệ thực vật cũng không tồn tại trên đời.
Những nông dân thời Edo không dùng thuốc diệt cỏ lẫn thuốc diệt sâu bọ mà vẫn trồng lúa, trồng rau. Dù là táo đi nữa, chí ít cũng có từ thời Newton. Quả táo vốn là cái cớ để Newton phát hiện ra định luật vạn vật hấp dẫn ấy không có thuốc bảo vệ thực vật. Nếu dùng thuốc bảo vệ thực vật mới trồng được táo thì thứ quả mà William Tell (1) đặt lên đầu con trai ông đã không phải là quả táo rồi. Thế kỉ XIV ở Thụy Sĩ chưa có dụng cụ phun thuốc bảo vệ thực vật.
Suy cho cùng, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chẳng phải là vì muốn tăng sản lượng thu hoạch, giảm bớt công sức làm các việc đồng áng, hoặc khiến nông sản có vẻ ngoài bắt mắt hơn hay sao. Nghĩ như vậy cũng không sai, nhưng nếu hỏi ý kiến những người nông dân trồng táo hiện đại, họ sẽ bảo quan điểm đó là chưa đủ. Câu chuyện khoogn đơn giản là vậy. Nếu không dùng thuốc bảo vệ thực vật, cả vườn táo sẽ bị hủy diệt.
Mức độ phụ thuộc vào thuốc bảo vệ thực vật của nông sản khác nhua tùy vào chủng loại cây trồng. Theo một nghiên cứu ở Nhật Bản, nếu không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sản lượng táo sẽ giảm hơn 90% do thiệt hại bởi sâu bệnh. Dưa chuột cũng là cay trồng chịu thiệt hại tương tự nếu không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, dưa chuột có thể gieo hạt mới hằng năm.
Trường hợp cây táo thì khác. Những cây chịu thiệt hại lớn như sản lượng thu hoạch thấp hơn trung bình hàng năm 10%, sang năm tiếp theo sẽ không thể cho ra hoa. Cây không ra hoa, đương nhiên cũng không có quả. Có nghĩa là chỉ cần liên tiếp hai năm trồng không có thuốc bảo vệ thực vật, sản lượng thu hoạch gần như chắc chắn bằng không. Chừng nào chưa dùng thuốc bảo vệ thực vật, chừng đó tình hình không thể chuyển biến theo hướng tích cực được.
Thật sự mà nói, táo ngày nay với táo thời William Tell hay Newton có sự khác biệt rất lớn. Lý do lớn nhất khiến người ta không thể trồng táo mà thiếu thuốc bảo vệ thực vật cũng nằm ở đó.
Đó là do sự cải tiến chủng loại. Táo ngày nay là một loại hoàn toàn khác với táo ngày xưa.
Thứ mà Adam và Eve ăn ở vườn Địa Đàng là quả táo nhưng trong kinh Cựu Ước chỉ viết là: quả của cây biết được thiện ác. Cây biết được thiện ác là cây như thế nào thì không rõ. Việc quả của cái cây không biết là cây gì lại trở thành quả táo là do cả trong tiếng Anh và tiếng Đức, từ "táo" vốn dĩ là từ có nghĩa: "quả của cây".
Việc từ "táo" có nghĩa là "quả của cây" chứng tỏ con người biết đến quả táo từ thời rất xa xưa, trước khi biết tới các loại quả khác. Trong thực tế, ở Thụy Sĩ, người ta khai quật được táo đã cacbon hóa từ di tích của cư dân sinh sống tại châu Âu bốn nghìn năm trước. Có không ít nhà khảo cổ học cho rằng đây là bằng chứng cho thấy táo đã được trồng từ thời đó.
Ở đế quốc La Mã, các thành bang Hy Lạp, hay Ai Cập cổ đại, táo là một loại quả được biết đến rộng rãi. Điều đó có nghĩa là con người đã trồng táo được hàng ngàn năm.
Chủng hoang dã của loài thực vật này được phân loại thuộc họ táo, bộ hoa hồng, phân bố trên phạm vi rộng từ Tây Âu đến châu Á. Trong đó, có giả thuyết cho rằng nơi xuất xứ của loại táo mà chúng ta ăn ngày nay là một vùng ở chân núi thuộc dãy Kavkaz.
Loài táo hoang dã này về cơ bản quả nhỏ, vị chua hoặc chát nhiều. Ít ra cũng không phải là thứ mà con người ngày nay có thể ăn. Ở Âu Mỹ, hiện nay, một loại táo gọi là crabapple vẫn được trồng để làm nguyên liệu nấu ăn hay nguyên liệu cho loại rượu có tên Cider. Đây là loại táo quả nhỏ, ít vị ngọt, gần với giống hoang dã. Loại mà người Ai Cập hay người Hy Lạp cổ đại ăn có lẽ cũng là loại táo đó.
Tuy nhiên, từ thời đó, phương pháp ghép cây đã được biết tới. Ngay cả trong những văn bản thời Hy Lạp cũng ghi lại cách ghép cây, nên việc chọn loại táo có vị ngon và nhân rộng chủng loại đó bằng phương pháp ghép cây là điều hoàn toàn khả thi. Nghe nói vào thời La Mã, có ít nhất mười hai giống táo được biết tới. Dù không phải cải tiến giống như hiện nay, nhưng việc cải tiến giống ngẫu nhiên trải qua nhiều năm cũng đã tiến triển một cách chậm rãi kể từ khi con người bắt đầu trồng táo.
Hơn nữa, cây táo không phải trường hợp cá biệt. Không ngoa khi nói rằng các loại ngũ cốc hay rau màu, cây trái mà chúng ta dùng để ăn, tất cả đều là những loại cây được con người cải tiến. Giống gạo hay lúa mỳ hoang dã khi chín thì hạt rời rạc, tản mát, bay lả tả. Gạo hay lúa mỳ mà chúng ta đang ăn không bị như vậy là để thuận tiện cho việc thu hoạch của con người. Có khi nào bạn cảm thấy kỳ lạ với việc quả chuối không có hạt không? Đó cũng là kết quả của việc những người ở vùng nhiệt đới, trải qua hàng ngàn năm, chọn ra những cá thể không tạo ra hạt và trồng chúng.
Thế kỷ XVIII ở Anh, khi phương pháp lai tạo hai giống thành một giống mới được phát hiện thì tốc độ của việc cải tạo giống càng tăng nhanh. Con người cần một giống táo ngon hơn trước nên đã phối nhiều giống khác nhau. Hơn thế, bước sang thế kỷ XIX, việc cải tiến giống táo ở Mỹ còn trở thành một kiểu bùng nổ. Nguồn gốc đương nhiên xuất phát từ những quả táo mà người di cư đã mang tới từ châu Âu. Táo được cải tiến giống ở Tân lục địa đã trở thành thứ quả to hơn và ngọt hơn, khác xa với giống táo xa xưa của Cựu lục địa.
Nếu nói rõ hơn, lấy thế kỷ XIX làm mốc thì táo đã trở thành một loại quả hoàn toàn khác với táo trước đó.
Trong lịch sử trồng táo kéo dài liên tục mấy nghìn năm, điều mang tính quyết định đã xảy ra vào thế kỷ XIX. Đó là việc phát minh ra thuốc bảo vệ thực vật. Những loại như Lime sulfur (lưu huỳnh vôi) hay Bouillie bordelaise ngày nay gọi là thuốc trừ sâu cổ điển, được phát minh vào giữa thế kỷ XIX.
Đương nhiên, thuốc bảo vệ thực vật không được nông dân sử dụng rộng rãi ngay lập tức. Đối với trồng táo, thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng chính thức vào khoảng gần cuối thế kỷ XIX. Thế nhưng, sự tồn tại của loại thuốc diệt trừ cực kỳ hiệu quả các loại sâu bệnh đã thay đổi triệt để quan niệm về việc cải tiến chủng loại.
Ở thời chưa có thuốc bảo vệ thực vật, giả sử có tạo ra được cây táo cho quả ngọt bằng cải tiến giống đi nữa, nếu cây đó chống chọi yếu với sâu bệnh gây hại, thì nó cũng không thể phát triển được. Nói cách khác, chỉ có thể trồng được giống không cần dùng thuốc bảo vệ thực vật mà vẫn chống chọi được sâu bệnh.
Tuy nhiên, cùng với sự xuất hiện của thuốc bảo vệ thực vật, giới hạn đó đã được gỡ bỏ. Cuộc chiến với sâu bệnh đã có thuốc bảo vệ thực vật gánh vác thay. Không cần suy tính đến khả năng kháng chịu sâu bệnh, người ta đã có thể tiến hành cải tiến giống chỉ với mục đích tạo ra cây cho quả to hơn, ngọt hơn.
Nói đến quả táo chúng ta ăn ngày nay, hầu hết đều là những giống được phát triển sau khi thuốc bảo vệ thực vật được đưa vào sử dụng. Có nghĩa đó là loại giống được cải tiến với tiền đề đã có thuốc bảo vệ thực vật.
Kết quả là táo ngày nay đã thành thứ quả to và ngọt đến mức không thể so sánh với tổ tiên của chúng là giống táo hoang dã ở dãy Kavkaz. Và đổi lại, táo cũng mất đi những sức mạnh nguyên thủy. Chúng trở thành loài thực vật vô cùng yếu ớt, không thể chống chọi lại sâu bệnh nếu thiếu sự trợ giúp của thuốc bảo vệ thực vật.
Táo đã lệ thuộc sâu sắc vào thuốc bảo vệ thực vật, và là sự tồn tại mang tính biểu trưng cho nên nông nghiệp ngày nay.
Kể cả không nêu những lý do đó ra, nếu là người nông dân trồng táo, ai cũng kinh qua và biết rằng chỉ cần lười phun thuốc bảo vệ thực vật thì vườn của họ dễ dàng thành miếng mồi ngon cho sâu bệnh gây hại như thế nào. Dù có dùng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng nếu thời kỳ phun và phương pháp phun không đúng, sâu bệnh gây hại cũng sẽ phát sinh.
Hơn nữa, nếu là trẻ em trong các gia đình nông dân trồng táo hẳn đều đã được nghe nhiều đến phát nhàm những câu chuyện như: thời thuốc bảo vệ thực vật còn chưa phổ biến, để trồng táo, ông cha ta đã phải vất vả như thế nào. Bất chấp công sức khó nhọc bỏ ra mà ngày nay đến tưởng tượng thôi cũng không thể, việc trồng táo ở tỉnh Aomori đã bao lần đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn.
Lịch sử trồng táo cũng là lịch sử đấu tranh một cách tuyệt vọng với sâu hại và dịch bệnh. Trên chiến trường ấy, chỉ có một tia sáng duy nhất là thuốc bảo vệ thực vật. Nếu thuốc bảo vệ thực vật không được phát minh ra, những vườn táo hẳn đã sạch bóng ở Aomori từ xa xưa.
Trồng táo mà không dùng thuốc bảo vệ thực vật chỉ là chuyện tào lao. Là người nông dân trồng táo, ai cũng nghĩ như thế.
Vấn đề là vì sao Kimura lại điên lên với một việc tào lao như thế?
Chú thích (1): William Tell là xạ thủ huyền thoại hồi đầu thế kỷ XIV tại Thụy Sĩ, nổi tiếng với hành động bắn rụng quả táo đặt trên đầu con trai mình, ám sát thành công một quan chức bạo ngược và đạp đổ chính quyền áp bức thời điểm đó.
Phần tiếp theo:
Quả táo thần kỳ của Kimura - Chương 3
Phần trước:
Quả táo thần kỳ của Kimura - Chương 1