QUẢ TÁO THẦN KỲ CỦA KIMURA - CHƯƠNG 1
Tên của người đàn ông đó là Akinori Kimura.
Lần đầu tác giả gặp Kimura là vào cuối năm 2006, sau gần 20 năm tính từ thời điểm ông chăm chú theo dõi con sâu đo dưới cây táo không ra quả.
Trái táo của kì tích. Táo do Kimura trồng ra được gọi như vậy.
Nói chung, muốn nếm thử táo của ông là rất khó. Một phần ba lượng nước táo làm từ táo của ông được một chính trị gia mua trọn, hay món súp táo thượng hạng nấu từ táo ông trồng được phục vụ trong nhà hàng Pháp ở Tokyo, khách muốn ăn phải đặt lịch trước cả năm trời.
Những câu chuyện đồn đại như vậy, tôi nghe thấy rất nhiều.
Người đã dành gần 30 năm để trồng táo không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hẳn phải là một người khó tính, tôi đã nghĩ thế, vậy mà khi tôi gọi điện từ Tokyo để xin thu thập thông tinn làm đề tài, Kimura lại đồng ý một cách thoải mái khiến tôi gần như thấy cụt cả hứng.
Nhà ông ở thị trấn Iwaki, cách ga JR Hirosaki tỉnh Aomori 30 phút đi ô tô. Có thời nơi đây được gọi là thị trấn Iwaki vùng trung Tsugaru, một thị trấn đứng riêng rẽ, sau đó sáp nhập và trở thành một phần của thành phố Hirosaki.
Ông nói đi taxi khó tìm nên sẽ ra đón tôi ở ga. Nhưng đến giờ hẹn, tôi tới ga Hirosaki, đợi một lúc cũng vẫn chưa thấy bóng dáng Kimura xuất hiện. Gọi điện cũng không thấy. Điện thoại bàn ở nhà bận suốt, điện thoại di động của Kimura cứ đổ chuông hoài.
Mãi một tiếng đồng hồ sau mới liên lạc được với ông:
"Tôi xin lỗi, tôi xin lỗi. Đột nhiên có khách hàng tới, giờ tôi đến đón ngay đây, thật sự vô cùng xin lỗi nhé!"
Kimura ở đầu dây bên kia nói to đến mức tôi bất giác để điện thoại di động ra khỏi tai.
Ông ấy cần gì phải xin lỗi chứ. Tôi là người nhờ ông ấy cho viết bài mà. Thêm vào đó, ngữ điệu tiếng địa phương vùng Tsugaru đặc sệt khiến tim người ta mềm đi, dịu đi hay sao đó. Tôi quên bẵng việc phải đợi cả tiếng đồng hồ ở bùng binh trước nhà ga tuyết rơi.
Kimura nói là đến đón ngay đây nhưng tôi cũng phải đợi thêm vài chục phút. Cuối cùng, tôi quyết định bắt taxi đến nhà Kimura.
Đi theo con đường ven hào của thành Hirosaki nổi tiếng với hoa anh đào, qua khu vực đô thị, qua sông Iwaki, phía trước bất ngờ hiện ra ngọn núi kỳ vĩ, đẹp đến nín thở, đứng sừng sững. Đó là núi Iwaki.
Đúng như biệt danh "Phú Sĩ vùng Tsugaru", hình dáng của ngọn núi giống hệt như núi Phú Sĩ. Được tạo thành do hoạt động của núi lửa nên gọi là Seisoukazan (1), do đó, nói nó là anh em với núi Phú Sĩ cũng được, nhưng Iwaki không phải em trai mà là em gái mới đúng. Chân núi uyển chuyển vẽ những đường cong mềm mại xuống vùng đồng bằng, thường được ví như xiêm y mười hai lớp áo của các công chúa thời Heian. Với những người dân sống ở vùng đồng bằng Tsugaru, đây là một ngọn núi đặc biệt, từ xa xưa đã được lấy làm đối tượng tín ngưỡng.
Thị trấn Iwaki nơi có nhà của Kimura là thị trấn ở vùng đồng bằng chân núi ấy.
Cả khi sáp nhập vào thành phố Hirosaki, người dân thị trấn Iwaki vẫn lấy nông nghiệp chủ yếu là trồng táo và trồng lúa làm sinh kế, không hề thay đổi. Xung quanh, cảnh sắc các làng mạc điển hình vùng Tohoku trải rộng.
Kimura nói đường đến nhà ông khó tìm nên ông đến cây xăng gần đó đón tôi giữa trời tuyết. Khoảng hơn 55 tuổi, tóc cắt ngắn đã điểm nhiều sợi bạc, ông chẳng cao cũng chẳng thấp, có lẽ là mức trung bình với những người ở tầm tuổi này. Ông gầy gò nhưng có vóc dáng rắn rỏi thường thấy ở những người lao động chân tay nhiều năm.
Có điều, viết như vậy có thể khiến độc giả hình dung một người kín tiếng, biểu cảm nghèo nàn cũng nên. Nếu nói riêng về tính cách, không thể nói ông là một người Nhật điển hình được.
Dù là gặp lần đầu nhưng ông chào đón tôi bằng nụ cười toét miệng trên khuôn mặt đầy những nếp nhăn.
Từ sau giây phút gặp gỡ, ông khiến tôi có cảm giác như một người thân thiết, đã quen từ vài chục năm trước. Kimura là người vui vẻ đến mức chỉ cần ở cạnh ông ấy thôi cũng cảm thấy dễ chịu, vui tươi.
Phòng khách nhà Kimura thông với nơi làm việc. Giờ tôi đã hiểu lý do vì sao điện thoại bàn không gọi được.
Do fax được gởi đến liên tục.
Táo của Kimura không được bán trên tuyến lưu thông thông thường. Theo đúng nghĩa của việc gửi trực tiếp từ nơi sản xuất: dựa theo bản ghi nhớ hay đơn hàng gửi qua fax, táo được người sản xuất là Kimura gửi trực tiếp cho người mua bằng chuyển phát tận nhà. Vì sản phẩm trở nên quá nổi tiếng, nên tình trạng lượng sản xuất ra không đủ đáp ứng đơn đặt hàng đã kéo dài tới mấy năm nay. Ngày hôm đó cũng vậy, trong khi tôi thu thập đề tài thì máy fax nhận đơn hàng không lúc nào ngừng kêu.
Tôi có nghe câu chuyện: vì chuyên tâm theo đuổi một việc khó khăn là trồng táo không dùng thuốc bảo vệ thực vật, mà gia đình Kimura phải sống cảnh nghèo khổ cơ cực trong suốt nhiều năm. Thế nhưng, đó đã là chuyện của ngày xưa cách đây hơn chục năm rồi.
Giờ ông là người nổi tiếng đến mức được đăng lên báo đài, ông có rất nhiều người hâm mộ trên khắp cả nước. Không chỉ trong nước, ông còn ra cả nước ngoài để dạy về nông nghiệp. Hơn nữa, táo ông trồng ra bán chạy như tôm tươi. Thu nhập chắc chắn tăng lên, ấy vậy mà nhìn quanh phòng khách nhà ông, chẳng thấy có vẻ gì như thế. Akinori Kimura có vẻ là người vốn dĩ không ham thích những thứ xa xỉ. Chiếu tatami và cửa kéo dường như đã nhiều năm không thay mới. Vì nuôi hết mèo mà nhà hàng xóm bỏ đi nên có tới bốn con mèo sống trong nhà Kimura. Nghe nói, có thay cửa kéo hay chiếu tatami thì cũng bị lũ mèo cào hết nên ông không thay. Trên bàn thấp ăn cơm, có đặt một cái máy vi tính cũ kĩ để quản lý khách hàng mà đến bây giờ vẫn dùng MS-DOS. Bên cạnh máy vi tính là chồng fax đơn đặt hàng táo chất cao như núi.
Nhất là thời gian gần đây, không chỉ có đơn đặt hàng táo mà những bản fax động viên, cổ vũ Kimura hay trao đổi về cuộc đời cũng nhiều vô kể.
"Sau khi lên tivi, có rất nhiều điện thoại và fax từ nhiều người gọi tới. Người trẻ cũng nhiều mà có cả những người như trụ trì ở chùa hay bác sĩ nữa, đủ mọi ngành nghề. Trước đây, còn có cả ba anh trông rất bặm trợn, đi trên một cái xe nhập ngoại to đùng đến nhà tôi nữa. Đúng là đáng sợ thật. Tôi nghĩ không biết có chuyện gì thì..."
Kimura nói ra cái tên của một thành phố lớn ở vùng Tohoku.'
"Nghe nói, họ chủ tâm đến để gặp tôi. Tôi hỏi có chuyện gì thì họ bảo: "Ông nghe điện thoại được không?" Họ nói rồi đưa cho tôi cái điện thoại di động. Đầu dây bên kia là một người có vẻ như bố giá. Ông ấy nói: "Tôi đã rớt nước mắt khi xem chương trình tivi". Ông ấy bảo lâu lắm rồi ông ấy mới khóc. Ông ấy bảo muốn nói như vậy cho tôi biết nên đã phái ba người đến. "Tôi muốn dịp nào đó, HAI CHÚNG TA uống với nhau", ông ấy bảo thế đấy."
Cuộc đời của Kimura được giới thiệu trong chương trình Tác phong làm việc của chuyên gia của đài NHK vào đầu tháng 12.
"Từng lời ông nói đều đọng lại trong tâm trí tôi - nhiều người đã nói vậy và tìm đến đây. Tôi đã nói cái gì ấy nhỉ? Tôi ngốc nghếch nên cũng chẳng nhớ lắm nữa."
Nói thế rồi Kimura ngoác cái miệng móm mém ra cười.
Kimura mới ngoài năm mươi nhưng hầu như đã chẳng còn răng. Những cái hiếm hoi sót lại cũng ngả màu nâu, mòn như lõi táo gặm, không còn dùng để cắn gì được nữa. Thế nhưng, Kimura không hề nghĩ đến việc chữa trị hay làm răng giả. "Tôi đã trao đổi lá táo với răng tôi rồi mà", ông nói kiểu chơi chữ một cách vụng về rồi tự cười lớn. (2)
Thật khó để diễn tả được tiếng cười của ông. Tôi chưa từng nghe thấy tiếng cười nào sảng khoái đến thế.
"A a a a a!"
Tiếng cười mà không hề pha âm H, chỉ có nguyên âm A liên tiếp, hơi giống một chút với kiểu cười của tounoe Ijirou hồi đóng Mito Koumon. Từ giọng cười của Mitsukuni cắt đi một cách gọn gàng vẻ ngạo nghễ, rồi tăng thêm 50% sự vui vẻ thì có thể sẽ ra giọng cười của Kimura.
Trong khoảng một năm từ ngày tuyết rơi đó, hễ có thời gian rảnh là tôi lại đến Hirosaki chơi. Thậm chí có cảm giác chỉ vì muốn nghe giọng cười của ông mà đến. Không chỉ thoải mái, giọng cười của Kimura còn ẩn chứa điều gì đó mạnh mẽ vô cùng.
Thế rồi những gì nghe được từ ông không chỉ toàn là những câu chuyện cười nữa...
"Cũng có điện thoại từ một người trẻ đang nghĩ đến việc tử tự. Là người học tới cao học ấy. Nghe nói là khiến bố mẹ phải chi rất nhiều tiền đóng học phí rồi tiền gì gì nữa. Thế nhưng, làm gì cũng hỏng, chẳng tìm được việc làm, nhà cũng không thể quay về. Vì thế mà nghĩ đến chuyện chết đi, thế nhưng khi xem tivi, cậu ấy đã nghĩ lại. Cuối cùng, cảm giác muốn được sống lại sôi sục".
Nếu so sánh với những khổ cực hay thất bại mà ông đã trải qua thì cậu ấy hiểu rằng những trăn trở của bản thân mình còn chẳng thể xếp vào là việc đáng trăn trở. Nghe nói, cậu trẻ tuổi ấy đã nói dứt khoát như vậy. Tôi hỏi Kimura lúc đó đã nói chuyện gì thì ông đăm chiêu:
"Ừ thì, chắc là tôi nói: "Trước mắt, cậu nghĩ lại thế là tốt rồi". Sau đó tôi nói: "Trở thành một kẻ ngốc nghếch cũng chẳng sao đâu. Trở thành kẻ ngốc ấy, cứ thử làm thì sẽ biết, không phải việc đơn giản đâu. Thế nhưng, nếu đến mức định chết, thì trước đó cứ thử thành kẻ ngốc một lần xem sao đã. Là một người đi trước, tôi chỉ biết một việc đó thôi. Cứ điên với một thứ, đến lúc nào đó, chắc chắn sẽ tình cờ gặp được câu trả lời". Chắc tôi nói vậy. "
Cứ điên với một thứ, đến lúc nào đó sẽ tình cờ gặp được câu trả lời.
Lời của Kimura chính là cuộc đời của Kimura.
Chú thích (1): loại núi lửa hình nón cao được tạo nên bởi nhiều tầng của dung nham cứng, tephra, đất bọt và tro bụi núi lửa.
Chú thích (2): trong tiếng Nhật, răng và lá có đồng âm là "ha".
Phần tiếp theo:
Quả táo thần kỳ của Kimura - Chương 2
Phần trước:
Quả táo thần kỳ của Kimura - Lời nói đầu