Quả táo thần kỳ của Kimura - Chương 3
Kimura sinh tháng 8 năm 1949, tại thị trấn Iwaki, huyện Trung Tsugaru, tỉnh Aomori. Ông vốn dĩ mang họ Mikami, là con trai thứ trong một gia đình làm nông nhiều đời. Tuy gia đình ông không quá giàu có nhưng do sở hữu khá nhiều diện tích đất vườn và thu nhập từ vườn táo không phải ít nên ông không có kí ức gì về cảnh sống khốn khó cả. Đó là chuyện hồi chuối còn là một thứ quả đắt đỏ đến giật mình. Táo là một loại quả tiêu biểu nên giá cả cũng ổn định. Nông dân địa phương Tsugaru - vốn là vùng chuyên canh - còn gọi cây táo là cây cho vàng. Chừng nào còn trồng táo, cả gia đình còn góp sức, trán còn đổ mồ hơi làm việc thì còn có thể sống cuộc sống sung túc, dư dả.
Có điều, nghe nói ông nội ông là người bảo thủ. Hồi nhỏ, ông mà học ở nhà thì sẽ bị mắng. Những thứ như học vấn chỉ là một loại thú vui, con nhà nông dân mà đắm đuối những việc ấy thì sẽ lại đòi đi học đại học ở thành phố, bắt bố mẹ bán ruộng vườn đi là cái chắc. Cách suy nghĩ ấy một thời vẫn còn ăn sâu bám rễ ở vùng nông thôn.
Do đó, việc học luôn diễn ra vào lúc nửa đêm khi ông nội đã ngủ yên.
Ông không được mua cho bàn học, học giữa đêm mà bật đèn sẽ bị phát hiện ngay. Ông dùng thùng đựng táo thay bàn học, đặt cạnh cửa sổ, học bằng ánh sáng của tuyết ngoài trời. Thấy vậy, mẹ ông bèn len lén mang nến tới. Vì một cây nến sẽ tạo ra bóng ở chỗ tay viết nên ông phải thắp ba cây để học, chuyện ấy ông còn nhớ rõ.
"Vì không làm bài tập sẽ bị thầy giáo ở trường mắng. Tôi bị kẹp giữa ông nội và thầy giáo."
Kimura nói vậy rồi cười, nhưng chắc hẳn học không phải điều gì khó chịu với ông. Môn ông khá là số học và tự nhiên. Thế rồi trong lĩnh vực hội họa, ông cũng thể hiện tài năng vượt trội hơn cả người lớn. Đến mức ông đã bị thầy giáo ở trường tiểu học mắng khi nộp bài tập về nhà là một bức tranh theo lối thủy mặc bằng mực tàu được vẽ lên giấy dùng để dán cửa kéo.
Cuối cùng, bức tranh ấy nhận được giải vàng trong một cuộc thi, nhưng thầy giáo thì vẫn tin chắc là một người lớn nào đó đã vẽ hộ ông...
Ông của thủa thiếu thời ấy đam mê nhất một thứ không gì sánh được, đó là máy móc. Cũng giống như những đứa trẻ khác, khi còn nhỏ, ông cũng chơi đồ chơi. Thế nhưng cách chơi lại hơi khác với bình thường.
Hồi còn học những năm dưới tiểu học, ông nài nỉ và được ông nội mua cho con rô-bốt đồ chơi, đến lúc về đến nhà, con rô-bốt đã chẳng còn giữ được nguyên hình dạng vì ông đã tháo tung nó ra khi ở trên xe buýt về nhà. Dù là đồ chơi như thế nào, ô tô hay máy bay, thậm chí không chỉ đồ chơi, ngay cả đồng hồ để bàn, hay đài radio, người lớn không để ý là ông sẽ lần lượt tháo ra. Người lớn có mắng như thế nào cũng chỉ như đàn gảy tai trâu.
Với ông, đồ chơi không phải là thứ dùng để chơi, đó là thứ để biết được cơ chế vận động, phát ra tia lửa. Chẳng có thú vui gì khiến ông của thủa niên thiếu thấy hấp dẫn hơn việc tìm hiểu cấu tạo bên trong của máy móc.
Những năm tháng thời niên thiếu ông đã sống có lẽ cũng phần nào chịu ảnh hưởng của thời đại, những năm 1950 đến những năm 1960. Tivi, tủ lạnh, máy giặt được gọi là ba loại máy thần. Nói đến những điều thúc đẩy nước Nhật đứng lên sau cú sốc bại trận không thể không nhắc tới các phát minh máy móc.
Ibuka Masaru đã thành lập công ty công nghiệp thông tin Tokyo, tiền thân của Sony say này; Honda Soichiro thành lập trung tâm nghiên cứu kỹ thuật Honda ba năm trước khi Kimura ra đời, năm 1946. Bước vào những năm 1950, Honda bắt đầu sản xuất chiếc xe máy đầu tiên "Dream D", công ty công nghiệp thông tin Tokyo cũng lần lượt đưa ra thị trường những loiaj máy mới như máy thu âm, đài bán dẫn.
Các máy móc tiên tiến là biểu tượng cho cuộc sống sung túc, được mọi người vô cùng yêu thích. Đương nhiên, các loại máy móc đó đối với những người dân thường vẫn còn là thứ xa vời, không phải thứ hàng hóa mà trẻ con có thể chạm tay tới. Thế nhưng trò chơi của con trẻ bao giờ cũng phản ánh thời đại. Cũng giống như trẻ em ngày nay say sưa với mạng Internet, trẻ em thời đó say sưa với sự kỳ lạ của những chiếc máy. Bắt gặp những thứ kỳ lạ, tìm hiểu làm sáng tỏ bí mật chính là bản năng của trẻ nhỏ. Những máy móc gần gũi nhất với trẻ, tức rô-bốt hay ô tô lên dây cót, có kết cục bị tháo tung ra cũng là định mệnh mà thôi. Nhưng, những đứa trẻ giống như ông, đồ chơi không chơi, tự nhiên đi tháo tung ra thì cũng đúng là không nhiều...
Càng trưởng thành, Kimura càng cảm thấy vui với việc tự mình lắp ráp những cấu trúc mà mình đã khám phá.
"Hồi học trung học, tôi có sở thích với điện khí. Radio nhận sóng điện nhưng sóng điện sao lại có thể trở thành âm thanh được nhỉ? Thế là tôi làm một cái máy vô tuyến. Chắc hồi đó khoảng năm thứ hai trung học. Thế nhưng, làm trong nhà thế nào cũng bị mắng nên tôi đã làm thực nghiệm ở bên ngoài. Tôi kéo một dây điện từ công tơ điện ở phía trước. Tôi đã làm một việc xấu. Đấy là ăn cắp điện mà. Tôi kéo dây điện trực tiếp từ cột điện để xem máy vô tuyến có tác động gì không. Xong rồi tôi dùng tua vít để làm đoản mạch mạch điện. Nếu là trong nhà, chắc hẳn sẽ làm nhảy cầu chì, nhưng vì tôi kéo dây điện trực tiếp nên cầu chì của cột điện bị nhảy mất. Thế rồi, các nhà xung quanh khoảng 40 hộ bị mất điện. Lúc đó tôi bị mắng cho té tát."
Ngay cả sau đấy, những trò nghịch ngợm của Kimura vẫn chưa dừng lại.
Có lần ông tham khảo sơ đồ mạch được công bố trên một tạp chí chuyên môn và định làm một cái máy tính sơ khai. Một cái máy tính của thời ống chân không còn được sử dụng trong mạch. Ống chân không ông lén mượn từ phòng phát thanh của trường về. Ông tháo nó ra từ một thiết bị cũ không còn sử dụng nữa. Không biết nếu việc làm cái máy tính mà tiến triển thuận lợi thì sẽ thế nào. Bộ phận phát thanh ở trường Kimura vẫn có thể tiếp tục phát thanh thì chỉ là do ống chân không hiệu suất kém mà thôi.
"Khi bắt đầu làm, tôi không biết là cần rất nhiều ống chân không. Tôi không đọc đến tận cuối quyển sách, mà bắt đầu làm lần lượt từ đầu nên lúc mới bắt tay vào làm, tôi không phát hiện ra. Cái máy tính ấy mà được hoàn thành thì nó phải to bằng cái nhà ba tầng. Đúng là không thể làm được, tôi nghĩ thế. Có chạy khắp cả Aomori, với khả năng của một học sinh trung học, cũng không sao tập hợp được ngần ấy ông chân không."
Thời trung học, ông đã làm đến mấy bộ tăng âm (Ampli). Đó là thời kỳ hoàng kim của các nhóm nhạc điện tử. Được người bạn chơi guita điện nhờ, ông làm quên ăn, quên ngủ. Sau ba ngày, ông hoàn thành bộ tăng âm nhưng nó có công suất lớn quá mức, suýt thì vỡ cả cửa sổ của nhà thể thao. Tuy cửa kính không vỡ, nhưng loa của nhà thể thao hỏng chắc chắn do bộ tăng âm của ông chứ chẳng sai. Nối guita điện vào, gảy đàn một cái thì loa phát ra tiếng như phát nổ, rồi từ đấy chẳng còn phát ra tiếng u u hay dè dè gì nữa. Loa của trường vào khoảng tối đã 50W, thế mà cái tăng âm ông làm ra có công suất đến gần 100W.
Cứ tập trung vô cái gì là ông hoàn toàn không quan tâm đến những thứ xung quanh. Tính cách đó của ông từ khi sinh ra đã vậy rồi.
Hồi năm thứ ba trung học phổ thông, ông đam mê xe máy. Nửa đêm ông chạy khắp đường làng, bắt chước Kaminari Zoku (1). Ông dùng xe máy chạy địa hình để chạy đường núi, gặp tai nạn, bị thương nặng, gãy mất mấy cái xương. Câu chuyện có vẻ đúng là ông, nhưng lý do lớn nhất khiến ông có sở thích với xe máy là ở động cơ của nó.
"Tôi đã ngồi lên nhiều loại xe như Benly Racing CR93 chẳng hạn. Tôi từng mua được một cái xe cũ với giá rất rẻ từ một lính Mỹ ở căn cứ lính Mỹ Misawa. Mua xong mà cứ thế đi thì chán, nên tôi đã cải tạo lại. Dù là Kaminari Zoku, nhưng tôi chẳng thích mấy việc như làm cho tiếng rồ ga thật vang. Chỉ chỉnh một chút động cơ thôi mà tính năng của cái xe đã được nâng lên rất nhiều. Thế là thích lắm."
Bằng cách đánh lửa hỗn hợp thể khí gồm không khí và xăng ở bugi, làm nổ máy, năng lượng đó với chuyển động của pít tông và trục khuỷu sẽ biến thành động lực. Cấu tạo đơn giản, nhưng tìm hiểu kỹ lại rất sâu xa. Có thể nói, trong nhiều thứ mà loài người phát minh ra, động cơ đốt trong là cỗ máy tinh tế bậc nhất. Càng biết về động cơ, khả năng đào sâu nghiên cứu lại càng mở rộng.
Kimura đã bị thu hút bởi giới hạn vô tận đó.
Nếu như Kimura sinh ra ở thành phố, hoặc được sinh ra muộn hơn một chút, có khi ông sẽ trở thành kỹ thuật viên cơ khí ưu tú của đội đua nào đó hay một người phát triển động cơ trong công ty sản xuất ô tô. Nhưng sinh ra trong một gia đình nông dân ở vùng Tsugaru vào năm Chiêu Hòa thứ 24 (1949), ông còn không biết rằng trên đời có những nghề như thế.
"Là con thứ, tôi không cần phải nối nghiệp gia đình, vì thế tôi đã không có ý định làm nghề nông. Nhìn bố mẹ làm nông, tôi đã nghĩ sẽ chẳng có tương lai. Tôi lúc đó chỉ nghĩ đến hiệu suất thôi. Thế rồi, vào năm thứ hai phổ thông trung học, tôi lấy bằng kế toán cấp một. Dự định làm kế toán nên tôi dự thi vào năm tốt nghiệp cấp ba nhưng bị trượt. Thế rồi tôi dự kì thi tuyển để tìm việc, xong vào làm cho một công ty ở Kawasaki. Đó là một công ty con thuộc Hitachi, sản xuất đường ống xây dựng mạng Ả Rập Saudi, Iran, Iraq. Cái đó gọi là làm việc tập thể (2) nhỉ? Ngày 23 tháng 3 năm Chiêu Hòa thứ 43 (1968), tôi lên tàu Kyukou Tsugaru đến ga Ueno. Hồi đó đi mất khoảng 17 tiếng lận. Khi tới nơi, tôi thầm nghĩ, đây là ga Ueno trong bài hát đấy sao, mình đã tới một nơi oách ghê nhỉ. Người đông nườm nượp, nhà cửa cũng nhiều không đếm xuể. Tôi xúc động và ngạc nhiên. Tôi mê mải nhìn ngắm say sưa, nhưng tôi chợt giật nảy mình.
Tôi có biết đường đến Kawasaki từ đó đâu. Tôi nghĩ Ueno với Kawasaki chỉ như từ mắt đến mũi thôi, đơn giản. Tôi cứ hỏi, rồi lại hỏi nhân viên nhà ga. Vất vả mãi cũng lần tới được Kawasaki thì người của bộ phận nhân sự đã đến ga đón tôi. Lúc đó tôi mừng quá. Nhưng mà, mặt trời lại màu cam. Tôi ngạc nhiên vì điều đó. Tôi cứ nghĩ mặt trời chập tối màu đỏ, nhưng ở Kawasaki, tôi chưa bao giờ thấy mặt trời chập tối màu đỏ cả".
Ở Kawasaki, vào năm 1960, các giải pháp môi trường vẫn còn hầu như chưa thể phát huy tác dụng. Dù gì, đó cũng là thời đại mà những ống khói nhà máy cao vút, trải dài được xem như bằng chứng cho sự phồn vinh. Mức độ ô nhiễm của thành phố nổi tiếng với các khu công nghiệp đã lên tới đỉnh điểm.
Những ngã tư đầy khí thải đen xì do xe tải thải ra, đến nỗi thở cũng không nổi. Khói thải từ các nhà máy khiến dù ngày nắng, bầu trời vẫn tối mù mịt. Đến tối, những đám mây được soi rọi bởi ánh sáng của thành phố, phát sáng rợn người. Buổi sáng, Kimura mặc một chiếc áo sơ mi trắng tinh đi làm. Khi ông vừa ngắm mặt trời buổi chiều tối màu da cam vừa quay về kí túc xá, tay áo chiếc sơ mi trắng đã mờ bẩn vì khói dầu. Sông đục ngầu như cống thoát nước, đi bên cạnh thì mùi khó chịu đến mức muốn bịt mũi. Nước máy rất dơ, không phải thứ có thể uống được. Ở Hirosaki, chắc chắc không có những chuyện thế này.
Thế nhưng, Kimura không nghĩ mình đã tới một mảnh đất không sống nổi. Suy cho cùng, đó cũng là một thành phố công nghiệp phát triển nên khi kể với bạn bè ở quê, chắc hẳn họ cũng thán phục: Đúng là thành phố có khác! Kimura hồ hởi, hãng diện làm việc ở thành phố mà mình mơ ước.
Ông trực thuộc bộ phận quản lý nguyên giá. Ở đó, lần đầu tiên, Kimura được tiếp xúc với máy tính thực sự chứ không chỉ là sơ đồ mạch.
"Có chứng chỉ kế toán, tôi tưởng sẽ làm việc bằng bàn tính cơ, tôi không biết máy tính làm được việc gì. Đó là một cái máy tính IBM, một cái máy tính ngày xưa, nhét thẻ đục lỗ vào máy đọc rồi thao tác. thế rồi, chưa đầy một tháng, tôi nhận ra một điều: Đây chỉ là một cái máy sử dụng dữ liệu quá khứ. Dù máy tính có tính năng cao thế nào mà không cho dữ liệu vào thì cũng không dùng được. Dữ liệu nghĩa là quá khứ. Tập hợp bao nhiêu dữ liệu quá khứ rồi tính toán, cái mới sẽ chẳng thể sinh ra. Chẳng mở ra tương lai. Cái gọi là máy tính ấy, theo tôi chỉ là thứ đồ chơi mà thôi.
Thế nhưng, tôi nghĩ, chẳng mấy chốc, chắc con người sẽ bị cái máy này sử dụng. Con người bị cái máy do con người làm ra điều khiển lại ấy. Nhìn cuộc sống bây giờ thì thành ra đúng thế còn gì. Cũng giống như cái máy tính ấy, chỉ có thể dùng những thứ được cho sẵn, những người như thế đã tăng lên ghê gớm. Họ không suy nghĩ bằng đầu của mình. Người ta đinh ninh rằng tất cả câu trả lời đều có trên mạng."
Hơn hết, không phải Kimura ghét máy tính. Ghi nhớ cách đục lỗ thẻ, học cơ cấu của máy tính, nghiên cứu hộp đen được giấu kín bên trong, những việc đó với ông cũng giống như tháo tung con rô-bốt hồi nhỏ, là trò giải trí vậy.
Cuộc sống ở Kawasaki trở thành kỷ niệm vui với Kimura. Công việc cũng thú vị, được yêu mến ở chỗ làm. Công việc lớn nhất của bộ phận quản lý nguyên giá là kiểm tra kinh phí của các bộ phận. Là công việc mang tính chất vai phản diện: bao quát các bộ phận khác, khuyến khích cắt giảm kinh phí, thế nhưng chẳng hiểu sao đến bộ phận nào Kimura cũng được hoan nghênh. Họ thường nói chỉ cần Kimura đến là toàn bộ chỗ làm trở nên vui tươi. Có thể việc này là do cái giọng nói to, sảng khoái, pha lẫn tiếng địa phương Tsugaru và nụ cười chân chất, ngây thơ đó.
Thế rồi, cuối tuần, ông ghé xưởng sửa chữa ô tô ở Shouman. Ông trở thành người quen của chủ xưởng và vùi đầu vào sở thích từ hồi trung học: cải tiến động cơ.
" Hồi đó chủ yếu là dòng Celica 1600 GT hoặc là Suica. Tôi mài trục cam cho đến khi trở nên sáng bóng như gương, nó làm tăng sức mạnh của động cơ. Vừa làm vừa dùng đầu ngón tay sờ, kiểm tra độ chuốt, đến từng phần nghìn milimet ấy. Cứ làm suốt, rồi chỉ sờ bằng ngón tay thôi là biết được độ sai khác. Cái gọi là cảm giác của con người thật phi thường. Chính xác hơn hẳn việc dùng máy móc. Làm như vậy để tăng sức mạnh, thời đó, dòng Suica khoảng 120 mã lực thì phải, làm cho nó thành 300 mã lực rất đơn giản. Tôi cũng thấy, nếu làm nghề này thì cũng thú vị ghê, nhưng đang làm những việc đấy thì có lệnh phải về quê, tôi phải quay về Aomori."
Kimura làm việc trong công ty ở Kawasaki được một năm rưỡi thì thôi việc. Lệnh phải về quê là của bố mẹ ông, nghĩa là, ông được gọi quay về nhà. Người anh trai vốn là con trai kế tục gia đình, vì muốn trở thành phi công nên đã gia nhập Đội phòng vệ. Con thứ là Akinori phải kế nghiệp gia đình.
Ngày ông về quê là ngay sau khi bão đi qua Aomori. Đến đón ông ở ga Hirosaki chỉ có mình ông nội. Những người khác trong nhà chia nhau ra vườn táo và ruộng lúa nước đã gánh chịu thiệt hại do gió và mưa lớn gây ra.
Quả táo thần kỳ của Kimura - chương 3
Chú thích:
(1) chỉ những người thích chạy xe máy tốc độ cao
(2) chỉ một hình thái tuyển dụng ở Nhật trước đây, theo đó học sinh mới tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông ở Nhật tại các địa phương đến làm việc tập thể tại các công ty, địa điểm kinh doanh ở các thành phố.
Phần tiếp theo:
Quả táo thần kỳ của Kimura - Chương 4
Phần trước:
Quả táo thần kỳ của Kimura - Chương 2